Sau một thời gian gây sốt, đến nay dịch vụ mua hàng giá rẻ theo nhóm lại ở trong trạng thái khá yên ắng.
“Loanh quanh vài dáng điệu”
Chị Nguyễn Thúy Hằng, nhân viên kinh doanh của một khách sạn năm sao, kể mua phiếu giảm giá ở Spa Avida tại quận 1 với giá 168.000 đồng cho dịch vụ trị giá trên 1 triệu đồng. Tuy giá rẻ nhưng dịch vụ ở đây quá tệ: Massage chưa được 1 giờ, nhân viên làm qua loa, phòng thì hôi hám, không có nhạc nên chẳng thư giãn chút nào. Chị cho hay với dịch vụ như thế sẽ không có khách hàng nào dám quay lại lần hai.
Chị T. kể một lần mua phiếu giảm giá của quán cà phê ở quận 3 chỉ có 50.000 đồng. Nhưng đến nơi, chị mới tá hỏa vì giá của thức uống, thức ăn ở đây bằng giá của khách sạn bốn sao như dừa tươi, nước ép trái cây đều giá 45.000 đồng. Do đó, dù có phiếu giảm giá nhưng chị T. cũng phải bù thêm tiền.
Chị Nguyễn Trịnh Diễm An, nhân viên truyền thông của một khách sạn, cho hay lúc đầu rất háo hức với dịch vụ ăn uống với giá rẻ. Tuy nhiên, càng ngày càng thấy chán vì số lượng hàng mà nhà cung cấp đưa ra khá nghèo nàn, chỉ loanh quanh vài ba thứ như spa, ăn uống, một vài tour du lịch… Những thứ cần mua như điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm… lâu lâu mới có một lần.
Chưa có nhiều khác biệt
Lý giải về việc có khi dịch vụ mua chung kém chất lượng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh tiếp thị Resort năm sao Pandanus, cho rằng nhà mạng chỉ quan tâm tới giá thỏa thuận với nhà cung cấp liệu có mang lại lợi nhuận hay không. Ngược lại, điều mà nhà cung cấp quan tâm là việc nhà mạng có giúp nhãn hiệu của họ được phổ biến và tăng doanh thu không.
Ông Võ Hồng Quang, Trưởng đại diện VC Corp Miền Nam – đơn vị sở hữu trang muachung.vn, cho biết điều đầu tiên khi làm việc với nhà cung cấp là xem sản phẩm đó có thật sự hấp dẫn cho người tiêu dùng, rồi đến chất lượng, giá cả và ăn chia lợi nhuận của hai bên. Trong trường hợp mặt hàng có chất lượng tốt, hút khách thì nhà mạng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để người tiêu dùng được lợi.
Tuy vậy, ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo marketing EQVN, cho biết sự sáng tạo của các trang mua theo nhóm vẫn còn hạn chế. Các giao dịch thường không có sự khác biệt. Rất ít giao dịch thực sự hấp dẫn vì chưa có nhiều thương hiệu lớn tham gia nhiều. Nhà cung cấp, phân phối chưa mặn mà khi đầu tư cho hình thức marketing trên mạng còn thấp (dưới 2% ngân sách marketing). Thậm chí một số doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm và đánh giá đúng mô hình này.
Phải đa dạng sản phẩm
Ông Trương Văn Quý cho biết hiện các giao dịch có mức giảm giá khoảng trên 50%, cá biệt có giao dịch giảm đến 90%. Như vậy chỉ có các loại dịch vụ có giá thành thấp (lợi nhuận cao, chi phí cố định) như ăn uống, spa, du lịch, giải trí… thì DN mới có lợi khi bán. Còn các mặt hàng điện tử, điện máy… nếu không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất sẽ khó áp dụng hình thức này. Lý do, lợi nhuận trong ngành điện tử, điện máy rất thấp nên khó có chuyện giảm giá trên 50%.
“Vừa qua cũng có một số máy tính bảng xuất xứ Trung Quốc và laptop thương hiệu Singapore có sử dụng đến loại hình mua theo nhóm. Tuy nhiên, giá bán không hề rẻ như mọi người nghĩ” – ông Quý nói.
Ông Vũ Hồng Quang cho biết do đặc thù nên mô hình mua sắm này không phủ sóng được hết các loại mặt hàng giảm giá sâu. Chỉ có những dịch vụ nào có tính chất quyết định nhanh, bán trong thời gian ngắn với số lượng lớn mới phù hợp. Còn nếu muốn bán ô tô, tủ lạnh… phải mất tới cả năm mới giao dịch trót lọt.
Điều này được ông David Trần, Giám đốc điều hành trang nhommua.com, chia sẻ công ty sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định các ngành hàng đang có. Từng bước đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đối với một số mặt hàng không chất lượng mà khách hàng kêu ca, công ty sẽ ngừng giao dịch.
Nguồn phapluattp